Thursday, May 8, 2014

Tác hại của biến dị

Độ sai lệch so với giá trị tiêu chuẩn hoặc giá trị bình quân được gọi là "biến dị" (variability). Chắc nhiều người biết trong Sinh học, chữ "biến dị" dùng để chỉ những khác biệt của một cá thể so với giá trị chung hoặc bình quân của quần thể sinh vật. Biến dị chỉ là một khái niệm định tính. Số đo thường dùng nhất của biến dị là phương sai (variance) hoặc độ lệch tiêu chuẩn (standard variation). Tuy nhiên, trong quản lý, người ta còn thường dùng đến một số đo khác gọi là hệ số biến dị (coefficient of variability hay CV). Định nghĩa của CV là tỉ số giữa độ lệch tiêu chuẩn và giá trị bình quân:
Dùng đại lượng này, người ta có thể so sánh hiệu quả của hai quá trình tác nghiệp có giá trị bình quân khác nhau. Thông thường, CV nhỏ hơn hoặc bằng 1 có thể coi là chấp nhận được, còn các giá trị CV lớn sẽ có ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Biến dị trong kinh doanh có thể có rất nhiều dạng, nhưng đối với nhà quản lý, các chỉ số biến dị thường được quan tâm hơn cả là:
  1. Chất lượng (quality)
  2. Chi phí (cost)
  3. Thời gian tác nghiệp (cycle time hay duration) tính từ lúc một sản phẩm bắt đầu vào hệ thống đến lúc kết thúc, bao gồm cả thời gian đợi và vận chuyển, khác với thời gian gia công (process time hay run time)
  4. Sản lượng (throughput hoặc output)
Tùy theo nguồn gốc của biến dị mà người ta còn chia biến dị thành hai loại
  1. Biến dị phát sinh do nhu cầu khách hàng hay thị trường có biến động. Loại biến dị này thường là nằm ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp, nhưng nếu nghiên cứu kỹ thì cũng vẫn có những phương pháp để giảm bớt tác động của loại biến dị này, trong một số trường hợp thậm chí là giảm đáng kể. Một trong những ví dụ thường được người ta nhắc đến về giảm biến dị phát sinh do nhu cầu là dòng xe hơi Model T của hãng Ford. Bằng cách giảm bớt tối đa các tùy chọn trên xe, thậm chí chỉ cung cấp cho khách hàng một màu sơn đen duy nhất, từ đó giảm được giá bán của xe xuống còn 1/2, rồi 1/3. Sản phẩm iPhone của hãng Apple là một ví dụ khác về chủ động giảm biến dị nhu cầu bằng cách giới hạn các lựa chọn của sản phẩm.
  2. Biến dị phát sinh do quá trình tác nghiệp: Loại biến dị này bao gồm hai thành tố.
    • Thành tố thứ nhất là biến dị tự nhiên, tức là các loại biến dị vốn có do máy móc, môi trường hoặc con người. Muốn giảm loại biến dị này thường rất khó và phải tiêu hao đáng kể tiền bạc và công sức. Tuy nhiên, điều may mắn là biến dị tự nhiên thông thường rất nhỏ. Các quá trình thủ công có thể coi là hoàn toàn bao gồm biến dị tự nhiên, mà trong những quá trình tôi đã đo qua hệ số biến dị hiếm khi vượt quá 0.5. Hệ số biến dị tự nhiên của máy móc còn thấp hơn, những máy móc tự động kỹ thuật cao có thể có hệ số biến dị tự nhiên rất gần không.
    • Thành tố thứ hai là biến dị ngoại lai. Đây là đối tượng chủ yếu để nhà quản lý nghiên cứu cải tiến. Biến dị ngoại lai đến do các yếu tố không liên quan trực tiếp đến quá trình sản xuất, ví dụ như máy móc hỏng, quy trình không hợp lý, nhân công lơ là, sản phẩm không đạt chất lượng, v.v.
Từ các khái niệm trên, có thể thấy rằng sự khác nhau giữa các sản phẩm thông thường là do kết hợp giữa biến dị tự nhiên và biến dị ngoại lai. Ví dụ như xe hơi của Đức và đồng hồ Thụy Sĩ đều nổi tiếng là có độ chính xác cao. Điều này là do sự chú trọng giảm thiểu biến dị tự nhiên của người Đức và người Thụy Sĩ thông qua việc phát triển các thiết bị chính xác và tay nghề của thợ. Tuy nhiên xe hơi của Đức nổi tiếng về thường xuyên hỏng vặt, còn số lượng sản xuất của đồng hồ Thụy Sĩ thì có hạn. Ngược lại, xe Toyota không nổi tiếng về độ chính xác cao, nhưng lại nổi tiếng về độ bền và độ ổn định. Đó là vì hãng này tập trung vào giảm thiểu biến dị ngoại lai, và kết quả là Hệ thống Sản xuất Toyota (Toyota Production System - TPS) nổi tiếng đã đưa Toyota từ một công ty sản xuất máy dệt vải vô danh trở thành nhà sản xuất xe hơi lớn nhất trên thế giới.

Vấn đề của kinh tế Việt Nam nói chung có thể thấy có một phần là do biến dị tự nhiên. Các loại máy móc tự động với độ chính xác cao thường rất đắt tiền và vượt quá khả năng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cả với những sản phẩm phổ thông, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn không cạnh tranh được với nước ngoài. Lý do chính của vấn đề này là do các doanh nghiệp chưa quan tâm làm sao để giảm được biến dị ngoại lai. Vì thế nên mặc dù giá nhân công của chúng ta vô cùng thấp, sản phẩm làm ra giá thành vẫn rất cao, hơn nữa chất lượng thấp và cũng không ổn định. Vì vậy, nếu muốn cạnh tranh được trên thị trường, cả quốc tế lẫn nội địa, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm đến các biện pháp giảm biến dị, nhất là biến dị ngoại lai, trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình.